Khởi nghiệp đang là mối quan tâm của không ít sinh viên mới tốt nghiệp. Tại buổi nói chuyện với sinh viên Trường ÐH Quy Nhơn vừa qua, GS Phan Văn Trường đã có những lời khuyên hữu ích với những bạn sinh viên mong muốn khởi nghiệp và thành công ngay tại quê hương.
Khẳng định của GS Phan Văn Trường: Khởi nghiệp có chỗ cho tất cả
Khẳng định rằng, xã hội luôn có đủ chỗ cho mọi sinh viên, quan trọng là phải biết làm gì để đi đến thành công, GS Phan Văn Trường chỉ rõ, điều quan trọng là sinh viên phải biết cách hòa nhập tốt, đem những gì mình biết ra phụng sự xã hội và nếu xã hội đón nhận, cộng tác thì sẽ thành công. Ông đưa ra ví dụ, một sinh viên làm việc trong khách sạn, nếu luôn luôn vui vẻ, khéo léo ứng xử vừa lòng khách, nhất định khách sẽ nhớ tới người phục vụ tốt ấy.
“Vậy thì làm sao biết được người xung quanh muốn gì?” – GS Trường nêu vấn đề và giải đáp: “Phải luôn luôn mở hết trí khôn ra để tìm hiểu những người trước mặt mình. Đừng đem cái tự ái của mình để áp đặt. Ngoài kiến thức trong nhà trường liên quan đến chuyên môn, sinh viên phải dành thời gian tìm hiểu, học nhiều kỹ năng, kiến thức khác như: thương thuyết, giao lưu, trao đổi thông tin, trình bày vấn đề, nắm bắt tư tưởng…”.
Theo ông, khi khởi nghiệp không nên vội vàng, phải suy nghĩ kỹ lưỡng, tính toán từng bước đi thật chắc chắn. Dù không đơn giản nhưng phải học cách làm việc nhóm, bởi một công ty sau vài tháng hoạt động sẽ cần kết nối với những đối tác khác để hoạt động hiệu quả.
Chia sẻ tầm quan trọng của ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp nhưng theo GS Phan Văn Trường, để khởi nghiệp thành công còn phụ thuộc vào nhiều thứ như: môi trường kinh doanh, môi trường công nghệ, biểu giá, công tác chăm sóc khách hàng, trưng bày sản phẩm, thiết kế mẫu mã… “Cùng bán một mặt hàng nhưng một bên bán đắt, một bên bán ế đều có nguyên nhân cả”, ông gợi mở.
Cân nhắc khi Khởi nghiệp trên quê hương
GS Phan Văn Trường chia sẻ, ông quan tâm và suy nghĩ rất nhiều về tiềm năng du lịch của Bình Định. Khi ngành du lịch tỉnh nhà phát triển, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công.
“Các bạn có thể vận dụng kiến thức mình được trang bị ở trường và tự trang bị để mở công ty, không cần to tát, chẳng hạn tiệm bán mũ, tiệm bán kem. Điều quan trọng là phải tìm được nghề có thể phát triển trong tương lai và chuẩn bị thêm một số điều kiện, ví dụ như kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ…”, ông khuyên.
Trả lời khá thẳng thắn câu hỏi của một sinh viên về việc nhiều sinh viên có các ý tưởng độc đáo, mới lạ nhưng khi ai đó hỏi thì lại không biết trả lời thế nào; làm sao để giúp các bạn kích hoạt điều đó? GS Trường cho rằng, các bạn trẻ hãy sống để trở thành một công dân tự đứng trên đôi chân của mình, không dựa vào ai, chủ động nuôi dưỡng mong muốn và dám nói ra điều đó.
“Nhiều em hỏi tôi, ở tuổi của chúng em, thầy đã làm gì? Thứ nhất, có cơ hội đi học thì cứ ra sức học, nhưng không phải kiểu học để có được tấm bằng ra trường đâu nhé. Song song với đó hãy tìm hiểu cuộc sống xung quanh và trang bị cho mình các kỹ năng. Hãy nhớ là với những khó khăn, đừng gây mâu thuẫn mà phải thương thuyết một cách mềm dẻo, vui vẻ, tích cực, khéo léo nhưng vẫn xây dựng cuộc đời mình trên những gì mình muốn”, ông tư vấn. Và đúc kết: “Các em hãy tự lập, tự hỏi mình là mình thích cái gì và chúng ta chỉ giỏi hơn người khác với những gì chúng ta có tiềm năng”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét