Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

QUY TẮC 1%: LÍ DO NGƯỜI CHIẾN THẮNG CÓ ĐƯỢC TẤT CẢ MỌI THỨ

 QUY TẮC 1%: LÍ DO NGƯỜI CHIẾN THẮNG CÓ ĐƯỢC TẤT CẢ MỌI THỨ


🔎 Rừng nhiệt đới Amazon là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên Trái Đất. Các nhà khoa học đã lập danh mục khoảng 16.000 loài cây khác nhau ở rừng Amazon. Nhưng bất chấp mức độ đa dạng cao này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra có khoảng 227 loài cây “ưu thế” tạo ra gần một nửa khu rừng này. Chỉ 1,4 % số loài cây đóng góp 50% số cây trong rừng Amazon. 


Nhưng tại sao?


Hãy tưởng tượng 2 cây mọc cạnh nhau. Mỗi ngày chúng cạnh tranh ánh sáng và đất. Nếu một cây có thể phát triển nhanh hơn chỉ một chút thôi, thì nó có thể vươn cao hơn, đón được nhiều ánh nắng và thấm đẫm nhiều mưa hơn. Ngày tiếp theo, năng lượng bổ sung này cho phép cây phát triển thêm nữa. Mô hình này tiếp tục cho đến khi cây khỏe hơn lấn át cây kia và chiếm phần lớn ánh sáng, đất và dinh dưỡng.


Từ vị trí thuận lợi này, cây thắng thế có khả năng phát tán hạt giống và nhân giống tốt hơn, điều đó còn giúp loài này chiếm chỗ lớn hơn ở thế hệ tiếp theo. Quá trình này lặp lại nhiều lần cho đến khi những cây khỏe hơn một chút so với đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh toàn bộ khu rừng.


Các nhà khoa học gọi hiệu ứng này là “lợi thế tích lũy”. Những gì bắt đầu là một lợi thế nhỏ sẽ lớn dần theo thời gian. Một cái cây chỉ cần một chút lợi thế lúc đầu để lấn át đối thủ và chiếm lấy toàn bộ khu rừng.


👉 Đó chính là Hiệu ứng “người chiến thắng có được tất cả” - WINNER TAKES ALL.


Giống như cây trong rừng nhiệt đới, con người thường cạnh tranh để chiếm lấy những tài nguyên giống nhau. Các chính trị gia cạnh tranh số phiếu bầu giống nhau. Các tác giả cạnh tranh cho một vị trí đầu bảng trong danh sách bán chạy nhất. Các vận động viên cạnh tranh vì cùng một huy chương vàng. Các công ty cạnh tranh vì cùng một khách hàng tiềm năng. Các chương trình TV cạnh tranh vì cùng một giờ phát sóng.


➡️ Sự khác biệt giữa những lựa chọn có thể mỏng như lưỡi dao cạo, nhưng người thắng cuộc được hưởng những phần thưởng cực kỳ lớn.


Hãy tưởng tượng hai người phụ nữ đang bơi trong Thế vận hội. Một người nhanh hơn người kia 1/100 giây nhưng giành được toàn bộ huy chương vàng. 10 công ty có thể chào hàng một khách hàng tiềm năng, nhưng chỉ một trong số đó giành được dự án. Bạn chỉ cần tốt hơn đối thủ cạnh tranh một chút là có thể giành được tất cả phần thưởng. Hoặc có thể bạn đang ứng tuyển một công việc mới. 200 ứng viên có thể cạnh tranh vì cùng một vai trò, nhưng chỉ cần tốt hơn một chút so với các ứng viên khác là đủ giúp bạn giành được toàn bộ vị trí.


➡️ Những tình huống trong đó sự khác biệt nhỏ về năng lực có thể dẫn đến những phần thưởng rất lớn được gọi là Hiệu ứng Người thắng có tất cả. 


Hiệu ứng này thường xảy ra trong những tình huống có sự so sánh tương đối, khi năng lực của bạn so với những người xung quanh là yếu tố quyết định thành công của bạn.


Không phải mọi thứ trong cuộc sống đều là một cuộc cạnh tranh thắng có tất cả, nhưng gần như mọi lĩnh vực cuộc sống đều ít nhất bị ảnh hưởng một phần bởi những nguồn lực giới hạn. Bất kỳ quyết định nào có liên quan đến việc sử dụng một nguồn tài nguyên có giới hạn, như thời gian hoặc tiền bạc, đều sẽ tự nhiên dẫn đến một tình huống Người thắng có tất cả.


Trong những tình huống như vậy, chỉ cần tốt hơn một chút so với đối thủ cạnh tranh cũng đủ dẫn đến những phần thưởng rất lớn bởi vì người thắng lấy tất cả. Bạn có thể thắng nhờ 1%, 1 giây hoặc 1 đô-la, nhưng bạn nắm được 100% chiến thắng. Lợi thế của việc tốt hơn một chút không phải là được thưởng nhiều hơn một chút, mà là toàn bộ phần thưởng. Người thắng có tất cả, những người còn lại trắng tay.


➡️ Người thắng có tất cả dẫn đến Người thắng có hầu hết


Từ vị trí có lợi thế – với huy chương vàng trong tay, tiền trong ngân hàng hoặc vị trí Tổng thống Mỹ – người thắng cuộc bắt đầu quá trình tích lũy lợi thế giúp cho họ dễ dàng giành được chiến thắng trong lần tiếp theo. Những thứ bắt đầu là một khoảng cách nhỏ sẽ bắt đầu có khuynh hướng Quy tắc 80/20.


- Nếu một con đường thuận tiện hơn con đường khác một chút thì sẽ có nhiều người đi và nhiều doanh nghiệp có khả năng sẽ xây dựng dọc theo con đường đó. Khi có nhiều doanh nghiệp được xây dựng, mọi người có thêm lý do sử dụng con đường đó và vì vậy nó còn có thêm lượng người đi. Chẳng bao lâu sau bạn sẽ đi đến một câu châm ngôn kiểu như: “20% các con đường có 80% người đi”.


- Nếu một doanh nghiệp có một công nghệ sáng tạo hơn doanh nghiệp khác thì sẽ có nhiều người mua sản phẩm của họ hơn. Vì doanh nghiệp làm ra nhiều tiền hơn, họ có thể đầu tư vào công nghệ bổ sung, trả lương cao hơn và thuê những người giỏi hơn. Khi đối thủ cạnh tranh bắt kịp, lại có những lý do khác khiến khách hàng gắn bó với doanh nghiệp đầu tiên. Chẳng bao lâu sau, một công ty thống trị cả ngành.


- Nếu một tác giả lọt vào danh sách bán chạy nhất thì các nhà xuất bản sẽ quan tâm hơn đến cuốn sách tiếp theo của họ. Khi cuốn sách thứ hai ra đời, nhà xuất bản sẽ dành nhiều nguồn lực và sức mạnh marketing hậu thuẫn cho nó hơn, điều đó khiến cuốn sách dễ lọt vào danh sách bán chạy nhất lần thứ hai hơn. Chẳng bao lâu sau, bạn sẽ bắt đầu hiểu được tại sao một số ít sách bán được hàng triệu bản trong khi phần lớn phải vật lộn để bán được vài nghìn bản.


➡️ Khoảng cách giữa tốt và tuyệt vời hẹp hơn ta tưởng. Những điều bắt đầu là một lợi thế nhỏ so với đối thủ cạnh tranh sẽ tăng rất nhanh qua mỗi cuộc thi. Chiến thắng một cuộc thi sẽ cải thiện tỷ lệ thắng lần sau. Mỗi chu kỳ tăng thêm củng cố thêm địa vị của những người dẫn đầu.


Qua thời gian, những người giỏi hơn một chút cuối cùng nhận được phần lớn phần thưởng. Những người kém hơn một chút cuối cùng cũng trắng tay. Ý tưởng này đôi khi được gọi là Hiệu ứng Matthew, trích dẫn từ một đoạn trong Kinh Thánh nói rằng rằng: “Những ai có sẽ nhận được nhiều hơn, rồi họ sẽ có rất nhiều; nhưng những ai không có gì thì cả những thứ họ đang có cũng sẽ bị lấy đi.”


Bây giờ ta hãy cùng quay lại với câu hỏi tôi đặt ra ở phần đầu bài viết này. Tại sao số ít người, đội và tổ chức lại hưởng phần lớn những phần thưởng trong cuộc sống?


👉 Đó chính là Quy tắc 1%


Những sự khác biệt nhỏ về năng lực có thể dẫn đến sự phân chia rất chênh lệch khi lặp lại theo thời gian. Đây là một lý do khác lý giải vì sao thói quen rất quan trọng. Những người và tổ chức có thể làm những việc đúng đắn, kiên trì hơn có nhiều khả năng duy trì được một lợi thế cạnh tranh và tích lũy được những phần thưởng bất cân xứng theo thời gian.


Bạn chỉ cần giỏi hơn đối thủ cạnh tranh một chút thôi, nhưng nếu bạn có thể duy trì được lợi thế nhỏ đó hôm nay, ngày mai và ngày sau nữa, thì bạn có thể lặp lại quá trình chiến thắng chỉ nhờ từng chút vượt trội. Và nhờ vào Hiệu ứng “Người chiến thắng có tất cả”, mỗi chiến thắng mang lại những phần thưởng rất lớn.


👉 Ta có thể gọi đây là Quy tắc 1%. Quy tắc 1% nói rằng qua thời gian, phần lớn phần thưởng trong một lĩnh vực nhất định sẽ tích lũy về với những người, đội và tổ chức duy trì được 1% lợi thế so với các đối thủ khác. Bạn không cần phải giỏi gấp đôi để có được kết quả tốt gấp đôi. Bạn chỉ cần tốt hơn một chút. 


Nguồn: James Clear


P/s: Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng lại nội dung này


******************************************


0 nhận xét:

Đăng nhận xét