Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

VIỆT NAM CÓ THỂ LẶP LẠI CON ĐƯỜNG TĂNG TRƯỞNG CỦA HÀN QUỐC

 VIỆT NAM CÓ THỂ LẶP LẠI CON ĐƯỜNG TĂNG TRƯỞNG CỦA HÀN QUỐC

Đã có kinh nghiệp lâu năm trong việc giúp các doanh nghiệp châu Á và Việt Nam phát triển thương hiệu, ông Lawrence Chong, Giám đốc điều hành tập đoàn Consulus, đã dành thời gian với chúng tôi để bàn về những vấn đề xung quanh việc phát triển thương hiệu Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng.
1. Thưa ông, những năm gần đây, thương hiệu “Made-in-Vietnam” đã được thị trường quốc tế biết đến nhiều hơn. Theo ông, đây có phải là dấu hiệu đáng mừng?
Đối với bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào, việc được quốc tế biết đến là một chuyện tất yếu. Và với Việt Nam, là một xã hội công nghiệp, cùng với cơ cấu chi phí sản xuất tương đối thấp và cơ sở hạ tầng khá, để có được thị phần từ việc gia công sản phẩm có chất lượng không phải là việc khó làm.
Tuy nhiên, tôi tin rằng hiện tượng quan trọng hơn đang diễn ra đó là tại nhiều nơi trên thế giới đang dấy lên sự mong muốn được trải nghiệm văn hóa Việt Nam thông qua thực phẩm, nghệ thuật và thời trang. Sẽ không khó để bạn bắt gặp rất nhiều người ngoại quốc đi săn lùng các ý tưởng ẩm thực truyền cảm hứng từ văn hóa Việt. Giá bán của các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam cũng đang tăng lên đáng kể. Đây thực sự là xu hướng đáng chú ý hơn, tuy nhiên, qua nhiều lần đến Việt Nam, tôi nhận thấy rằng những người bạn Việt chưa thực sự đề cao tầm quan trọng của sức mạnh mềm của văn hóa Việt. Vì vậy, thứ mà thế giới đang thực sự cần, không phải là nhiều xe hơi, xe tải, đồ điện tử chất lượng hơn mà họ cần những trải nghiệm độc đáo hơn.
Tác phẩm Chuyện trò với giai nhân trong vườn của Vu Cao Dam (1939) đã được mua với giá US$230,477 tại Hong Kong. (VnnNews.net)
Thực tế là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính những nền kinh tế mới nổi, như Campuchia về mặt hàng nông sản cũng như những sản phẩm sử dụng nhiều lao động. Theo ông, những nhà sản xuất này nên làm gì?
Thách thức ở đây đó là những người bạn Việt không đi sâu vào phát triển sản phẩm của riêng mình. Họ đã tập trung quá nhiều làm thế nào để sản xuất nhiều hơn về cả số lượng và chủng loại. Chính vì thế, khi các nước khác tung ra những sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn, các sản phẩm của Việt Nam phải chịu hậu quả trực tiếp. Điều này xảy ra là vì các sản phẩm của Việt Nam có tính độc đáo và giá trị thấp. Lấy ví dụ, nếu bạn bán riêng sản phẩm mỳ, có rất nhiều cách để giảm giá thành. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ ra các cách tăng giá trị cho sản phẩm, như là tận dụng lợi thế về nguyên liệu và bắt đầu tạo ra những sản phẩm độc đáo như món Phở kèm với công thức chế biến, bạn đã ngay lập tức gia tăng giá trị cho sản phầm của mình rồi.
Thêm vào đó, những người bạn Việt phải học cách cảm nhận sức mạnh của thiết kế để tăng mức giá bán. Lý do vì sao các sản phẩm nông sản của Nhật và Hàn Quốc được định giá cao cấp là nhờ vào khả năng thiết kế sản phẩm và đóng gói xuất sắc. Khi bạn kết hợp những ý tưởng này vào với món mỳ thơm ngon, bạn sẽ bắt đầu nâng cao được lợi thế cạnh tranh cho mình. Điều này tất yếu sẽ giúp tăng lợi nhuận sản phẩm và tiếp cho bạn nhiên liệu để bảo vệ mình khỏi cuộc cạnh tranh về giá.
2. Như ông đã biết, hiện có nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đang dần rơi vào tay các công ty nước ngoài, ví dụ như Highlands Coffee, Phở 24, Bibica, Sabeco. Ông có suy nghĩ gì về sự việc này?
Thật là đáng tiếc vì một vài các thương hiệu kể trên, như Highlands Coffee và Phở 24 có thể có khả năng phát triển thành những thương hiệu lớn hơn. Nhưng điều này cũng khó tránh khỏi, bởi vì nếu bạn nhìn vào xu hướng chung của thế giới, không dễ dàng gì để có được ý chí dũng cảm xây dựng doanh nghiệp thành những thương hiệu toàn cầu. Chính vì vậy, phần lớn các chủ doanh nghiệp thường nhanh chóng bán doanh nghiệp và rất có thể là họ đã định giá doanh nghiệp thấp hơn so với giá trị thực. Nếu bạn phân tích kỹ các thương hiệu đó, họ còn có rất nhiều điểm có thể cải thiện hơn nữa, như chăm sóc khách hàng và bao bì đóng gói. Phần lớn những thương hiệu này ngay từ đầu đều cố gắng học theo các tiêu chuẩn của phương Tây và thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Và ngay khi công việc kinh doanh tiến triển tốt và tạo ra dòng tiền, các ông chủ đã tìm cách thoái vốn sớm.
Bạn có thể thấy rằng hiện có rất ít thương hiệu hiệu Việt Nam thực sự khai thác triệt để sức mạnh của văn hóa Việt và tinh thần chống xâm lăng bất diệt. Khi chủ doanh nghiệp từ bỏ quá sớm, điều này hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh của một Việt Nam kiên cường bất khuất chống lại mọi giặc xâm lăng, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội phát triển và là một xã hội công nghiệp, tại sao những người chủ kia lại thoái vốn quá sớm như vậy? Họ có đang kiếm về một món hời lớn hay chỉ là đang bỏ lỡ con ngỗng vàng thực sự? Và một lần nữa, bạn cũng phải đánh giá về phía người mua. Tôi tin rằng những người mua thương vụ trên đã có một giao dịch rất thành công bởi vì họ biết rằng trong thời gian tới cơ hội thị trường là khổng lồ.
Nhìn về bề ngoài, Việt Nam dường như sẽ lặp lại con đường tăng trưởng của người khổng lồ châu Á, đó là Hàn Quốc. Cũng giống như Việt Nam, dân tộc Hàn Quốc cũng phải xây dựng lại đất nước sau một cuộc xung đột rất lớn và họ cũng có một nền văn hóa đậm đà tính dân tộc. Và cũng như Hàn Quốc, Việt Nam cũng có một cộng đồng Việt Kiều rất đông đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, có thể nói, nguồn nhân lực có chất lượng cao là sẵn có. Việt Nam có được thành công và phát triển tương tự chỉ là vấn đề thời gian. Vì thế, lời khuyên của tôi dành cho các bạn Việt Nam, đó là hãy tự tin hơn vào chính văn hóa của mình và tạo ra những trải nghiệm độc đáo, làm việc chăm chỉ để triển khai tốt hơn. Đừng chuyển nhượng hay bán ý tưởng quá sớm, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ chuyến tàu để trở thành tập đoàn lớn như Hyundai hay Lotte.
3. Nói một cách ngắn gọn, để bảo vệ thương hiệu của mình, ông khuyên những người chủ thương hiệu nên làm gì?
Cách tốt nhất để bảo vệ thương hiệu là bắt đầu từ bên trong. Ý tôi muốn nói đó là liệu nhân viên của bạn có hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và tầm nhìn của doanh nghiệp không? Nếu bản thân họ không có lòng tin vào doanh nghiệp thì tỉ lệ thất bại là hơn 50% rồi. Vì vậy, hãy giành nhiều thời gian hơn để đảm bảo rằng nhân viên của mình hiểu rõ ý định và ý nghĩa công việc họ đang làm. Và sau đó, tạo ra một văn hóa doanh nghiệp, nơi bạn tăng xác suất chia sẻ những ý tưởng trong nội bộ đội nhóm của mình.
Chúng tôi đã giúp hàng trăm doanh nghiệp trên hơn 15 thành phố ở châu Á và 90% số nhân viên của những công ty này biết rõ những vấn đề đang tồn tại nhưng hơn 50% trong số họ không đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề và cũng không chia sẻ lại với ban lãnh đạo. Vì thế, nếu bạn làm một phép tính đơn giản, điều gì sẽ xảy ra nếu những nhân viên này chia sẻ thông tin với ban giám đốc và làm điều gì đó để thay đổi tình hình? Thực tế là, những ý tưởng này nếu mà được đưa vào triển khai sẽ tạo ra khác biệt rất lớn cho kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Và nếu bạn thực sự muốn đảm bảo cho thương hiệu của mình tiếp tục phát triển, hãy nghĩ từ trong sâu thẳm, bạn thực sự coi trọng giá trị gì ở mỗi nhân viên của mình. Chúng tôi đúc kết ra rằng nếu bạn tạo ra một hệ thống rõ ràng để phát triển và nuôi dưỡng nhân tài, họ sẽ giúp bạn bảo vệ sự giàu có của doanh nghiệp. Thật khó tin khi biết rằng hầu hết các doanh nghiệp dành rất nhiều thời gian đào tạo bán hàng nhưng lại dành rất ít thời gian xây dựng những hệ thống nội bộ để ghi lại và phát triển giá trị cho doanh nghiệp. Chính vì thế, phần đông doanh nghiệp không khác gì những con tàu bị rò rỉ. Bất kể cái gì họ thu gom được cuối cùng cũng bị chảy mất đi. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp nên cân nhắc làm theo các bước xây dựng thương hiệu mạnh dưới đây:
- Làm rõ ràng ý nghĩa và mục đích công việc cho mọi nhân viên. Đảm bảo rằng họ biết và hiểu rõ.
- Tạo môi trường để khuyến khích, đẩy mạnh giao tiếp và hợp tác nội bộ. Tạo ra những khoảnh khắc để loại bỏ dần những rào cản. Đảm bảo đội ngũ nhân viên có cơ hội hợp tác và được thưởng cho những hành động hợp tác.
- Tạo ra chương trình phát triển lãnh đạo thật minh bạch để giúp định hình hành vi doanh nghiệp. Bạn không cần phải là doanh nghiệp lớn thì mới bắt đầu. - Chúng tôi đã gặp những doanh nghiệp thậm chí chỉ có 10 nhân viên đang áp dụng cách thức đo lường thanh công rất đơn giản và nó đem lại hiệu quá rất cao.
- Làm rõ mục đích của thiết kế và đảm bảo rằng tất cả mọi phương diện thể hiện đều phải đáp ứng mục tiêu kinh doanh. Phần lớn thời gian, các doanh nghiệp không giành đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo về những logo hay những bản giới thiệu, quảng cáo của thương hiệu. Điều ngạc nhiên ở đây là, nếu thiết kế quảng cáo và những thông điệp đưa ra không ăn khớp với nhau, khách hàng sẽ có ấn tượng không tốt về doanh nghiệp, rằng nội bộ doanh nghiệp đang rối ren.
Vì vậy, hãy xây dựng thương hiệu từ bên trong. Hãy bắt đầu từ một mục đích có ý nghĩa ngay hôm nay.
4. Nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là châu Âu và Mỹ cũng đang rơi vào khủng hoàng, làm thế nào để sản phẩm Việt trở thành một phần giải pháp cho những vấn đề khách hàng đang gặp phải và đồng thời bảo toàn bền vững những giá trị xuất khẩu?
Một lần nữa, tôi cho rằng đã đến lúc các thương hiệu Việt Nam tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị bằng cách tạo ra những trải nghiệm độc đáo. Và họ cần phải tiến hành việc này bằng cách kết hợp văn hóa và những mô hình kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt nam nên tập trung nhiều hơn vào châu Á và châu Mỹ Latinh, nơi mà tăng trưởng kinh tế vẫn đang tiếp tục. Nhưng để có thể tiếp cận những thị trường này, họ cần phải cải thiện hình ảnh của mình và tạo thêm nhiều trải nghiệm độc đáo. Đã đến lúc phải dừng việc bán hàng giá rẻ mà nên chuyển sang bán hàng sáng tạo.
5. Thay vì chi tiền cho quảng cáo và tiếp thị, đâu là cách tốt nhất để kết nối với khách hàng miễn phí?
Cách tốt nhất là kết nối với khách hàng là thông qua sản phẩm độc đáo để họ luôn khao khát có được sản phẩm và luôn nói chuyện về sản phẩm đó. Nếu bạn đơn thuần chỉ bán quần áo, sẽ chẳng có ai để ý tới bạn. Tuy nhiên nếu bạn bán gu thời trang thì mọi người sẽ chạy theo bạn. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn chỉ đơn thuần bán mỳ thì ngoài kia đã có quá nhiều sự lựa chọn. Nhưng nếu bạn bán trải nghiệm thưởng thức món ăn theo phong cách vỉa hè, thêm một vài lát thịt bò thái mỏng và nước xuýt đặc biệt, sản phẩm sẽ đột nhiên trở nên thật tuyệt vời. Chính trải nghiệm này sẽ khiến mọi người thường xuyên quay trở lại.
Xin cảm ơn ông.
Theo Lawrence Chong
"Hội nghị Hình thành Thế giới 2012" - Xây dựng thương hiệu phát triển toàn cầu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét