Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

Hòa Nhập Chứ Đừng Hòa Tan” – Nghệ Thuật Giao Tiếp Của Người Giàu Trí Thông Minh Xã Hội

Hòa Nhập Chứ Đừng Hòa Tan” – Nghệ Thuật Giao Tiếp Của Người Giàu Trí Thông Minh Xã Hội
"Ngôn từ, cũng tựa như bản tính, nửa tiết lộ, nửa che giấu tâm hồn bên trong." - Alfred Tennyson
Xuất phát điểm, hay khởi nguồn của sự yên bình, hạnh phúc và thành công của mỗi người, phần lớn, đều đến từ khả năng duy trì các mối quan hệ cá nhân, bởi lẽ, chúng ta ai cũng đều đóng một vai trò quan trọng trong phần đời của mọi quan hệ kết nối quanh ta.
Những người có trí thông minh xã hội cao sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng một cầu nối tinh thần giàu ý nghĩa, đối với mọi người xung quanh, với gia đình thân nhân, với bạn bè và đồng nghiệp. Một khi đã nắm rõ được từng phương thức những người giàu trí thông minh xã hội đối nhân xử thế, ta có thể mài dũa hiểu biết của bản thân về các chuẩn tắc hành xử trong xã hội, để có thể đạt được nhiều thành tựu, sự viên mãn và hạnh phúc cá nhân.
Vậy, rốt cuộc, những người sở hữu trí thông minh xã hội cao tài tình trong việc đối nhân xử thế ra sao?
1. Cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ
Những người có trí thông minh xã hội cao luôn hiểu được rằng, cách họ trình bày thông tin hay một quan điểm, thường sẽ quan trọng hơn chính thông điệp được truyền tải.
Ta không thể nào giao tiếp hiệu quả khi từng ngọn lửa hờn giận bủa vây tâm trí người nghe, tước đi từ họ năng lực lắng lòng thấu hiểu.
Phỉ báng, chỉ trích, hay chê bai ý kiến và quan điểm của người khác sẽ đơm lên một mồi lửa, thiêu rụi nhận thức của người nghe, khiến họ rơi vào thế phòng thủ, khi ấy, họ nào có biết lắng nghe là gì.
Công nhận quan điểm và nhận thức của người khác, đồng thời, nêu ra các ví dụ từ chính quan điểm của cá nhân ta sẽ có ích hơn nhiều so với việc châm ngòi cho từng làn sóng xung đột giận dữ.
2. Lắng nghe và hiếu kỳ về quan điểm của người khác
Cuộc đời đầy rẫy sự phức tạp, thiết nghĩ, sẽ còn rối như tơ vò khi từng cá nhân độc lập trên hành tinh này đều đưa ra từng quan điểm đối lập nhau.
Những người có trí thông minh xã hội cao sẽ luôn tò mò về quan điểm của người khác, và học hỏi từ đó. Suy cho cùng, con người ta ai ai cũng có 24h một ngày như nhau. Ta khó có thể nhận thức một cách đúng đắn và toàn diện về mọi khía cạnh trong trải nghiệm cuộc sống.
Ta có thể học cách lắng lòng tiếp thu quan điểm của người khác và khám phá lăng kính họ đã tận dụng để quán sát thế giới sinh động ra sao.
Ta không nhất thiết phải coi ý kiến của họ là toàn thiện, là hoàn mĩ nhất, ta chỉ việc lắng nghe, để phong phú thêm kinh nghiệm của bản thân, để vun đắp thêm thế giới quan của riêng mình.
3. Không lãng phí thì giờ vào việc tranh luận
Tranh cãi sẽ chẳng đưa ta đến đâu cả. Có một ranh giới rõ rệt giữa việc tranh luận và thảo luận – khi cả hai bên đều khao khát được học hỏi và tiếp thu ý kiến từ đối phương.
Tranh luận lãng phí của ta rất nhiều thời gian, và năng lượng xúc cảm, mà đáng lý, ta vốn đã có thể đầu tư vào những sự vụ có ích khác.
Quả là tốn thì giờ khi gượng ép một người khác đồng thuận với quan điểm của bản thân ta, khi họ không có chút hứng thú mở lòng hay học hỏi. Việc này thậm chí còn dẫn đến xung đột khi người nghe lựa chọn bộc phát sự giận dữ để bảo vệ quan điểm hay niềm tin của chính họ. Ta rất dễ rơi vào cái bẫy của tư duy khi quá hào hứng về một chủ đề nào đó, đến mức, ta buộc phải là người đúng nhất – nhưng sự thật thì không hẳn là vậy.
4. Lắng nghe để thấu hiểu, thay vì chỉ để phản hồi
Lắng nghe là một kỹ năng quan trọng để trau dồi và vận dụng. Nhiều cá nhân hiện nay tham gia vào các cuộc trò chuyện nhưng lại thiếu hụt kỹ năng lắng nghe chủ động, hoặc cân nhắc về những gì người nói chia sẻ. Họ chỉ đơn thuần chờ đợi đến lượt nói của mình, chỉ đăm đăm chia sẻ về quan điểm và niềm tin của bản thân, mà không cân nhắc tới ý kiến của người khác.
Trường hợp này còn chưa kể đến những người còn không thèm chú ý tới bạn chuyện, liên tục dính mắt vào màn hình ti vi hay điện thoại thay vì tập trung vào người đang nói.
Hãy học cách chú tâm đến từng cuộc hội thoại, lắng lòng nghe không chỉ là về việc lắng nghe đơn thuần, để cho ngôn từ từ tai này trôi qua tai nọ.
5. Cảm kích những lời chỉ trích thay vì trốn tránh chúng.
Đối diện với những lời chỉ trích quả là cả một thách thức, dẫu cho lời chỉ trích ấy mang ý tốt góp ý hay không. Những lời chỉ trích mang tính góp ý chính là một công cụ tuyệt vời để cá nhân ta mài dũa bản thân, bất kể trên phương diện nào.
Đã là “khán giả” thì sẽ luôn có những ý kiến và quan điểm phê bình cá nhân, dẫu cho ta có mong muốn nhận về những lời lẽ tốt bụng và tinh tế ra sao, không phải lúc nào ta cũng được thỏa ý nguyện.
Những người có trí thông minh xã hội cao luôn hiểu được rằng, sự phê bình chỉ trích là một cơ hội để họ học hỏi và phát triển, dẫu có cay đắng ra sao. Không phải ai cũng thuần thục trong việc bày tỏ quan điểm qua ngôn từ, theo một mức độ khéo léo mà cá nhân ta có thể chấp nhận được. Nhiều người có da mặt dày…và nhiều người thì không đâu…
6. Không tùy tiện phán xét người khác
Con người ai cũng có quan điểm, nhưng không phải quan điểm nào cũng mang nghĩa tích cực cả.
Những người có trí thông minh xã hội sẽ hiểu được rằng họ không nên tùy tiện phán xét người khác.
Quả thật là cũng tốt khi bản thân ta nắm được trước một vài thông tin về một người nào đó phòng khi người đó là người xấu, nhưng ta cũng phải cẩn trọng không tin mọi lời đồn thất thiệt.
Một câu chuyện luôn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, quả là ngu ngốc khi tin răm rắp vào những điều người khác rót vào tai ta.
Thêm vào đó, không nên tham gia vào việc tung tin đồn nhảm, và bàn tán sau lưng người khác. Đó là cách nhanh nhất giúp ta phá hủy niềm tin của mọi người, khiến họ phải cất vấn lại bản chất con người ta.
7. Tránh sử dụng những câu khẳng định chắc chắn trong cuộc trò chuyện
Một câu khẳng định chắc chắn là cách hữu ích nhất để kích động mọi cuộc tranh cãi, bởi trên đời, hiếm có chuyện con người ta có thể tách bạch đúng sai rõ ràng.
Luôn có nhiều vấn đề mà ta không hiểu hoặc không thể hiểu được rốt ráo.
Tự tin trong việc truyền tải một thông điệp hay trong một cuộc hội thoại là một điều tốt, nhưng những người có trí thông minh xã hội cao sẽ luôn lường trước rằng, quan điểm của họ có thể là sai lầm.
Cách đơn giản nhất để tránh kích động một cuộc tranh cãi là không sử dụng những câu khẳng định chắc chắn trừ khi cần thiết, dẫu vậy, vẫn có thể có một ai đó sẽ không nhất trí với quan điểm của bạn và phản bác lại, bởi vốn có rất nhiều người trên đời yêu thích việc tranh luận, bất kể đúng sai.
8. Tránh đưa ra những luồng ý kiến phản bác gay gắn, nhằm công kích cá nhân
Khi một cuộc trò chuyện rơi vào thế nảy lửa, con người ta rất dễ đưa ra những luồng ý kiến trái chiều, và làm tổn thương người khác.
Ta thường được dạy bảo về tầm quan trọng của việc tự vựng dậy và bảo vệ bản thân, bảo vệ niềm tin nơi ta, nhưng, cũng quan trọng không kém, ta phải cẩn trọng đối với những người chỉ có ý định nhử ta, hoặc có ý đồ ngụy biện công kích cá nhân (công kích bản thân một người thay vì quan điểm mà người đó đang trình bày) để phá hoại quan điểm của ta.
Biện pháp phòng ngự tốt nhất đối với loại hành vi như vậy đó chính là giữ im lặng và bình tĩnh.
Để tự bảo vệ bản thân, ta không nhất thiết phải nổi nóng và phản bác lại, duy trì thái độ lãnh đạm đối với những lời công kích, đối với nghịch cảnh luôn dễ dàng hơn nhiều so với việc tiêu hao năng lượng cảm xúc của bản thân vào một cuộc tranh luận.
9. Luôn rộng lòng chấp nhận lời xin lỗi, và sẵn sàng xin lỗi khi phạm sai lầm
Một người có trí thông minh xã hội cao sẽ thấu hiểu và thừa nhận sai lầm của bản thân.
Họ hiểu được rằng bản thân không nên phí hoài thời gian vào những cuộc tranh cãi vô bổ, hoặc né tránh trách nghiệm mỗi lúc phạm sai lầm.
Con người ta ai mà chẳng có những thời điểm sai lầm cơ chứ…ta khi thì đưa ra những lựa chọn tồi, khi thì chót nói lỡ lời, khi thì không thấu triệt được toàn bộ sự thật.
Hơn thế nữa, những người giàu trí thông minh xã hội sẽ hào phóng chấp nhận một lời xin lỗi công bằng. Tuy nhiên, không hẳn lời xin lỗi nào cũng mang tính công bằng cả. Một vài người sẽ dùng lời xin lỗi để trốn tránh trách nghiệm đối với những hành động, những lựa chọn sai trái mà họ cố tình thực hiện.
Lựa chọn chấp nhận một lời xin lỗi còn phụ thuộc vào động cơ đằng sau hành động sai trái ấy. Liệu đối phương có nhầm lẫn thật không? Liệu có phải họ chỉ sơ ý phạm sai? Hay họ cố tình làm vậy với một ý đồ xấu?
Kể cả khi chấp nhận tha thứ cho người đó, nhưng ta cũng không thể phớt lờ ác tâm của họ. Chấp nhận một lời xin lỗi không có nghĩa là bạn phải mở lòng để sẵn sàng bị hại một lần nữa!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét