Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

LÀM SAO ĐỂ LÀM THUÊ VÀ KIẾM TIỀN VỚI HIỆU SUẤT CAO NHẤT

 LÀM SAO ĐỂ LÀM THUÊ VÀ KIẾM TIỀN VỚI HIỆU SUẤT CAO NHẤT

--------------------------
1. LÀM VIỆC MÌNH GIỎI.
Trước hết chúng ta phải làm việc mình giỏi, việc mà chúng ta tạo ra giá trị tốt nhất, có giá trị cạnh tranh cao nhất. Khi đó sếp của bạn cứ muốn bạn ở đó, làm việc đó, vì không ai làm tốt hơn bạn công việc đó cả. Muốn biết làm sao để làm giỏi nhất thì comment nhé. Bài sau sẽ tiếp về vấn đề này.
2. LÀM VIỆC XÃ HỘI CẦN, LÀM VIỆC TẠO RA GIÁ TRỊ.
Có một số người làm việc gì thì đam mê, tận tụy với việc đó. Nhưng nếu chúng ta thuộc dạng người chỉ đam mê 1 số công việc nhất định thì chúng ta có ít lựa chọn hơn. Khi còn trẻ, nếu phải chọn giữa việc mình đam mê (xã hội chưa cần lắm), và việc mà xã hội đang cần, thì chúng ta nên chọn việc xã hội cần. Hãy tạm thời treo đam mê ở đó. Khi chúng ta độc lập về tài chính thì quay về với đam mê của mình.
3. CHỌN SẾP GIỎI.
Chọn được sếp giỏi bạn sẽ được vừa làm vừa học. Những gì bạn học được từ sếp sẽ là hành trang của bạn, không ai có thể bắt bạn bàn giao được cả. Nhiều bạn trẻ hiện nay không đưa tiêu chí sếp giỏi vào danh sách tuyển chọn công việc của mình. Có lẽ các bạn lười, mà có lẽ cho mình đã giỏi. Khi làm vậy, các bạn đã tự giới hạn sự phát triển của mình.
4. GIÚP SẾP BỚT CÔ ĐƠN.
Các sếp, doanh nhân hoặc quản lý cấp cao, cô đơn hơn chúng ta tưởng. Họ bị căn bệnh “Lonely at the top – cô đơn ở đỉnh cao”. Khi vui, khi thành công thì đỡ hơn, nhưng khi khó khăn, trở ngại thì họ rất cô đơn. Thử nghĩ, đang rất khó khăn mà đến 5:00 chiều thì toàn bộ nhân viên kéo nhau về.
Chẳng ai quan tâm đến khó khăn của sếp. Khi đó, nếu bạn là người nán lại làm việc, nán lại nghe tâm sự của sếp với sự chân thành chia sẻ thì hẳn bạn sẽ nằm đầu tiên trong danh sách mà sếp trọng dụng.
5. KHÔNG THAM GIA NHỮNG TRÒ CHƠI CHÍNH TRỊ, CHIA PHE CHIA CÁNH.
Chốn công sở, chốn các Giám đốc, Trưởng phòng… có rất nhiều trò chơi chính trị, nhiều game phe cánh, Chúng ta mà dính vào thì sẽ bị mất khá nhiều thời gian: chơi với người này, nói xấu người kia…và suy cho cùng, khi chung ta tham gia trò chơi chính trị, chia phe chia cánh thì nghề nghiệp của chúng ta phụ thuộc vào phe cánh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Cách tốt nhất là quan hệ với đồng nghiệp ở mức vừa phải, không tham gia phe nào cả, và cũng đừng có “ba phải” phe nào cũng chơi. Làm tốt công việc, chính trực …là chìa khóa thành công trong nghề nghiệp.
6. BIẾT CÁCH BÁO CÁO.
Có nhiều người làm giỏi, đóng góp nhiều nhưng không biết cách báo cáo truyền thông. Sếp thì hoặc là bận quá, hoặc là đã có sẵn định
kiến. Tệ nhất là sếp chưa đủ bản lãnh trường đời nên thích nghe nịnh.
Thế là những thành quả của mình không cánh mà bay vì bị bọn xấu, bọn giỏi nịnh cướp hết. Chúng ta không cần phải nịnh, không cần nói xấu người khác, nhưng chúng ta phải biết truyền thông, biết báo cáo đúng mức độ những gì chúng ta làm được. Sếp tệ quá thì chúng ta “thay” sếp. Chưa biết cách thay sếp thì comment nhé.
7. LÀM THUÊ VỚI TINH THẦN LÀM CHỦ.
Trong phần kiếm tiền, của cuốn sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam”, tôi có phân người làm thuê ra các dạng sau:
Dạng tệ nhất là những người làm việc một cách uể oải. Họ làm việc theo kiều cầm chừng để giữ công việc.
Kế đến là những người làm đúng với số tiền được trả. Họ quan niệm rằng: chủ/công ty trả bao nhiêu thì tôi làm đến mức đó.
Cao hơn là những người làm việc một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm.
Cao nhất là những người làm việc với tinh thần làm chủ. Họ làm việc như thể họ là chủ doanh nghiệp. Họ trăn trở, họ nhiệt huyết với công ty như thể họ là cổ đông góp vốn. Đây là những người làm thuê thành công nhất, về sự nghiệp và tài chính.
Ở thế giới và ngay cả ở Việt Nam có nhiều tấm gương thành công như vậy. Nhiều CEO/ Giám đốc điều hành xuất phát từ vị trí hết sức bình thường: nhân viên tiếp tân, thư ký, trợ lý, hoặc chỉ là một Manager bình thường, học hành cũng bình thường.
Nhưng họ đã đi lên trở thành CEO, trở thành người kiếm tiền nhiều nhất, cao hơn nhiều lần so với các Directors giỏi giang khác…chỉ vì họ làm việc với tinh thần làm chủ, và luôn nhiệt huyết, trăn trở như người chủ. Kiến thức còn thiếu thì họ học, kỹ năng còn yếu thì họ trau giồi. Quan trọng nhất là thái độ. và họ có thái độ đỉnh của đỉnh “Làm việc với tinh thần của người làm chủ”.
Theo Lâm Minh Chánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét