Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

20 KINH NGHIỆM "NẰM LÒNG" CỦA KỸ NĂNG GIAO TIẾP ĐỈNH CAO

 20 KINH NGHIỆM "NẰM LÒNG" CỦA KỸ NĂNG GIAO TIẾP ĐỈNH CAO

1. Lời nói - nết người. Ở chừng mực nào đó, lời nói phản ánh sự tu dưỡng, thái độ, tính cách, cuộc đời chúng ta, sách chúng ta đọc, nơi chúng ta đến và cả tâm hồn sâu kín của chúng ta.
2. Kẻ nông cạn thích làm màu, người sâu sắc ưa giản dị. Trau dồi kiến thức, trui rèn đạo đức, đến độ chín, ngôn ngữ đời thường của chúng ta tất có hương, có sắc.
3. Khéo ăn nói không đòi hỏi tài năng bẩm sinh, chúng ta có thể vận dụng, có thể mượn từ người khác, nơi khác. Cách học hiệu quả nhất là không ngừng tích lũy, ghi chép, học hỏi. Đồng thời cũng cần luyện óc quan sát nhạy bén, chú ý đến sự ăn ý. Khi vận dụng biện pháp so sánh, cần phải hợp người hợp cảnh, hợp mối quan hệ.
4. Đọc sách nhiều, trải nhiệm nhiều, chúng ta sẽ không rơi vào tình cảnh ngượng ngùng khi không thể đối thoại với người khác vì kiến thức hạn hẹp và ngôn từ nghèo nàn. Trái lại, vì chúng ta từng trải qua, từng thấu hiểu, nên chúng ta không lo lắng, không sợ hãi, nhờ vậy có thể xuất khẩu thành thơ, đối đáp tức thì mà không khiến người khác khó chịu.
5. Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng: Hiệu quả truyền đạt thông tin = 7% ngôn từ + 38% giọng nói + 55% biểu cảm. Vì luôn có những điều mà chúng ta không thể diễn đạt bằng lời, có những lời chúng ta không biết phải diễn đạt thế nào, hoặc không tiện nói ra. Khi ấy, thông qua ngôn ngữ cơ thể, chúng ta có thể vừa trực quan, linh hoạt, vừa dễ dàng bày tỏ.
6. Những người biết ăn nói, trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào họ cũng luôn là người đầu tiên đọc được tâm tư của người khác và biết cách biểu đạt sự quan tâm chân thành, cảm động bằng việc sử dụng những ngôn từ thích hợp nhất. Họ không nhiều lời, không đao to búa lớn, nhưng ấm áp, lay động, xoa dịu.
7. Chuyện nhà, chuyện nước, chuyện thiên hạ, xưa nay biết bao chuyện, nhưng chân thực nhất vẫn là chuyện đời thường. Lời quan, lời khách, lời hay dở, đong đếm biết bao lời, nhưng hay ho nhất vẫn là lời ăn tiếng nói hằng ngày.
8. Những người giỏi giao tiếp biết mình phải làm gì. Họ không bao giờ che giấu lỗi lầm của mình, cũng không bao giờ bao biện cho sai lầm của mình. Bởi vì, họ biết rằng lời xin lỗi nặng tựa núi cao, nhưng nếu bạn sẵn sàng gánh lấy, sức hấp dẫn của bạn sẽ chỉ có tăng mà không giảm.
9. Hãy kiệm lời để người khác lên tiếng, hãy khiêm tốn thu mình để người khác được tỏa sáng, sẵn sàng làm vai phụ điểm xuyết, để người khác trở thành vai chính, là nhân vật trung tâm, làm được như thế, bạn sẽ thấy, thực ra không có gì là không tốt.
10. Trước khi mở lời, hãy chậm lại vài giây và ôn lại trong đầu những gì chúng ta định phát biểu, kiểm tra xem có lời nào không nên nói, nghĩ xem những gì chúng ta định nói có hợp logic, tưởng tượng xem người khác sẽ nghĩ thế nào về những điều chúng ta nói, thử tìm xem còn cách diễn đạt nào hay hơn, phù hợp hơn. Sau tất cả những suy xét này, chúng ta hãy phát ngôn, hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn.
11. “Tai họa sinh ra từ sự bất cẩn trong lời nói”. Lời nói ra giống như bát nước đổ đi, vì thế không thể không thận trọng. Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Trước khi phát ngôn nếu không suy nghĩ cẩn thận, mà hồ đồ, hấp tấp, thì nhiều khi sẽ nhận về quả đắng.
12. Đôi lúc chúng ta có thói quen “mồm miệng nhanh nhảu”, mà không biết rằng “người nói vô tình, người nghe thì hữu ý”. Trước khi mở lời mà không chịu suy nghĩ thận trọng, phát ngôn không kiềm chế, không giữ ý tứ, nghĩ gì nói nấy, có khả năng sẽ gây ra họa, tổn hại cho người mà bất lợi cho mình.
13. Cùng một câu hỏi, nhưng sắp xếp thứ tự trước sau biểu thị tình cảm, cảm xúc không giống nhau. Sự việc có mức độ nặng - nhẹ, nhanh - chậm, thong thả - gấp gáp. Tình cảm cũng có mức độ thật - giả, thắm - nhạt. Ngôn từ xuất phát từ trái tim, việc sắp đặt thứ tự trong lời nói phản ánh mức độ tình cảm ưu tiên trước - sau của người nói.
14. Trong giao tiếp có ba yếu tố hết sức quan trọng: Không khí, thể diện và sĩ diện.
Phải giữ cho bầu không khí được vui vẻ, sắp xếp khéo léo để cuộc trao đổi được vuông tròn, không để đôi bên đều mất thể diện.
Phải giữ thể diện cho đối phương, nên trao đổi với thái độ khiêm nhường, nhẹ nhàng, từ tốn, đừng khiến đối phương phải xấu mặt.
Phải tôn trọng sĩ diện của đối phương, dĩ hòa vi quý, đừng căng thẳng, gây hấn, ngang ngược.
15. Mỗi người mỗi tính cách, sở thích, quan niệm, tâm lý khác nhau, vì vậy một trong những bài học quan trọng và cơ bản của giao tiếp là “lời nói phải phù hợp với đối tượng”.
16. “Học được cách cảm ơn, cuộc đời bạn sẽ thuận buồm xuôi gió.”
17. Đôi khi, chăm chú lắng nghe là lời tán dương có giá trị hơn bất cứ ngôn từ nào. Những người giỏi giao tiếp không dựa vào khuôn miệng liến thoắng không ngừng nghỉ, mà họ cần hơn một đôi tai biết lắng nghe và cảm nhận tâm hồn người khác.
18. Có thể không phải tất cả những người biết lắng nghe đều trở thành cao thủ giao tiếp, nhưng chắc chắn tất cả các cao thủ giao tiếp đều biết lắng nghe.
19. Chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) tỷ lệ thuận với khả năng giao tiếp của một người.
20. Ngôn ngữ đẹp nhất không phải thứ ngôn ngữ hoa mỹ, kiểu cách, đó phải là thứ ngôn ngữ khơi gợi nỗi xúc động sâu sắc. Giao tiếp hiệu quả nhất cũng không phải giao tiếp với tần suất liên tục, mà là giao tiếp chạm được vào trái tim đối tượng.
Nguồn: Bookland

0 nhận xét:

Đăng nhận xét