CHỦ NGHĨA SỐNG KHÔNG SỞ HỮU
Khi học cho đi nhiều hơn, ta sẽ dần thoát khỏi bản năng sở hữu, thứ vốn mang đến cho ta rất nhiều phiền não trong cuộc sống.
Tôi bắt đầu học cách cho đi vật chất, những thứ mà mình không thực sự cần trong cuộc sống nữa. Tôi chưa bao giờ là người ham thích mua sắm, mỗi lần di chuyển đến một không gian sống mới, tôi thấy mọi thứ thật nhẹ tênh: vài đôi giày, một vali quần áo đủ, cuốn sách nào nếu không còn muốn đọc lại, tôi sẽ mang tặng. Kể từ khi chuyển đến chỗ mới này đã được khoảng một năm, tôi bắt đầu nhìn kỹ lại tủ đồ của mình. Sau một thời gian ngắn, tôi tối giản từ 15 - 20 bộ quần áo đi làm/đi chơi xuống còn 6 đến 7 bộ với 3 tông màu be - đen - trắng, 4 bộ đồ mặc ở nhà, 5 túi xách còn 2 túi xách, 5 đôi giày còn 3 đôi giày. Dù vậy, mỗi tháng tôi vẫn tiếp tục ngó nghiêng xung quanh nhà, xem cái nào không cần dùng tới, tôi lại tiếp tục cho đi.
Khi sống biết đủ, và cái đủ của mình càng ngày càng giảm xuống, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn. Mỗi lần ra ngoài, chẳng mất nhiều thời gian để chọn sẽ mặc gì, và make-up ra sao. Và dần dần, tôi nhận thấy, sự cho đi vật chất này diễn ra với mình thật tự nhiên chứ không còn là sự luyện tập.
Kể từ khi đại dịch xảy đến, tôi quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, thứ mà trước kia, tôi vốn khá bỏ bê. Tôi chọn dùng các loại dầu gội, xà bông tắm công nghiệp... thành chất liệu tự nhiên, lau nhà bằng tinh dầu mang đến hương thơm thanh lọc và chữa lành, mua thêm vài chậu cây xanh chăm sóc dù bản thân chẳng giỏi lắm trong chuyện này. Mỗi sáng thức dậy sớm thiền, sau khi hành thiền, tôi tự pha cho mình một ly chanh sả mật ong nóng với công dụng bảo vệ lá phổi, và dùng song song nước lá neem và nước lã đun sôi. Công dụng tuyệt vời của lá neem đã được phổ biến rộng rãi, tôi vẫn thường giới thiệu nó đến những người bạn và người thân của mình. Kể từ ngày dùng viên neem và lá neem, một số chứng đau mỏi và đau bụng của cha và bà nhà tôi thuyên giảm rõ thấy.
Việc cho đi giúp con người giảm bớt cái tôi ích kỷ của mình, và đây là bài học mà bản thân sẽ phải học suốt cuộc đời. Cho đi lời cảm ơn, cho đi cái ôm trìu mến, cho đi lời yêu thương, cho đi sự tha thứ - lòng bao dung, cho đi nụ cười, cho đi sự thấu cảm, cho đi tri thức, ... Lòng ta rộng lớn mênh mông như đại dương, càng cho đi, tâm hồn càng được nới rộng. Nếu cứ cố chấp và ích kỷ giữ lại, lòng ta chật hẹp hơn từ đó mà dẫn đến những bức bối và phiền não cho tâm.
Vạn vật trong cuộc sống đều cần khoảng trống để thở, tâm hồn ta cũng vậy. Bởi thế, khi bản năng sở hữu càng mạnh mẽ, tâm hồn sẽ trở nên khó thở hơn, dễ bất an hơn, và sự ích kỷ thì chẳng bao giờ có thể mang lại hạnh phúc.
Ai đó nói cho đi sẽ nhận lại, nhưng thực ra, cho đi là nhận lại. Ta cho đi bao dung, ta nhận lại bao dung - ta đang bao dung cho người, là ta bao dung cho mình. Ta cho đi tình yêu, ta đang nhận lại tình yêu. Ta cho đi vật chất, ta nhận lại thứ còn quý giá hơn vật chất - ấy là một cuộc sống giàu giá trị tinh thần.
Khi quán xét nội tâm thật nghiêm túc, thì quán xét ấy sẽ hướng từ trong ra ngoài và ngược lại. Không gian trong ngoài tuy hai mà một. Tâm như thế nào, chất lượng cuộc sống của ta sẽ như thế ấy.
Trang Ps
0 nhận xét:
Đăng nhận xét